Site banner

20 MÙA XUÂN NHÂN ÁI!

Tác giả: 
Trần Công Ngữ

Nhớ mùa xuân ấy, mùa xuân của xứ dừa! một con thuyền vội vã lướt sóng, lao nhanh từ Hồng Ngự - Đồng Tháp Mười xuôi dòng Cửu Long rẽ nhánh Cổ Chiên về đến rạch Mương chạy vào, tối 30/12/1959, con thuyền chở nặng sứ mệnh thiêng liêng, niềm tin và khát vọng, sóng vỗ nhịp reo vui và rừng dừa lay động xô đẩy. Rồi một chiếc ghe nhỏ bé của em Mót, khi ấy 15 tuổi đã đưa cô Nguyễn Thị Định về đến xã Minh Đức huyện Mỏ Cày an toàn. Thế rồi nơi đây sứ mệnh thiêng liêng của Tổ quốc được Đảng bộ Bến Tre tiếp nhận và sau đó ngày 17/01/1960, một ngọn lửa thần kỳ đã bừng cháy và lan nhanh trên khắp 3 cù lao của xứ dừa.

Thật vậy! “Chiến tranh đâu phải trò đùa” từ 17/01/1960 đến 30/4/1975, khoảng 5.217 ngày đêm, Bến Tre cùng cả nước đương đầu với cuộc kháng chiến, biết bao hy sinh, gian khổ, nhưng đã thắng lợi vẻ vang.

Trên 5 ngàn ngày ấy mãi đến hôm nay còn để lại biết bao hậu quả vô cùng nặng nề về sức người sức của sau cuộc chiến. Ngày 28/12/1960 Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam của Bến Tre ra đời, khi ấy dân số của tỉnh 600 ngàn người đã có 70 ngàn người tham gia hoạt động cách mạng ngoài tỉnh. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Bến Tre đã có 35.666 người con đã anh dũng hy sinh, trong đó có 948 liệt sĩ là phụ nữ, 140 liệt sĩ dưới 15 tuổi, trên 18.700 người mang đầy thương tích, 4.047 người bị tù đày, với 6.934 Mẹ Việt Nam anh hùng, 3.715 người hoạt động  cách mạng bị nhiễm chất độc dioxin. Xứ dừa của Bến Tre chỉ còn lại 10 ngàn hecta dừa và ruộng đồng hoang hóa…

Chắc không phải giải thích vì sao đến nay Bến Tre vẫn là một trong những tỉnh còn khó khăn trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Là những người bước ra trong cuộc chiến, ai không khỏi nao lòng với cuộc sống của nhân dân mình. Từ thực tế của cuộc sống đã dạy cho ta và như Bác Hồ từng nói “cái gì có lợi cho dân phải hết sức làm”.

Một số cán bộ về hưu cùng 30 y, bác sĩ đã đồng tâm hiệp lực cùng một số nhà từ thiện đã tổ chức một phòng khám bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo do ông Huỳnh Văn Cam, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh sáng lập. Phòng khám miễn phí ra đời vào ngày 15/01/2003, sau một thời gian ngắn từ phòng khám ấy đã thành lập một hội từ thiện, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre vào ngày 10/12/2003, lúc đầu ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM đề xuất và tạo điều kiện hoạt động, đồng thời ông còn đảm nhận chức vụ Chủ tịch danh dự của Hội. Đến nay đã trải qua 4 nhiệm kỳ đại hội và tròn 20 năm ra đời của Hội (10/12/2003-10/12/2023). Đâu có một hoạt động nào mà không có khó khăn bắt đầu từ trứng nước, chỉ có lòng tâm huyết, tinh thần bác ái nhân văn, tinh thần đoàn kết thiện nguyện yêu thương “ lá lành đùm lá rách” trước hết là sự giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức và cá nhân trong ngoài nước, sự kết hợp các đoàn thể, mặt trận và sự lãnh đạo các cấp ủng hộ về tinh thần lẫn vật chất để Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre đã tạo nên một dấu ấn “20 mùa xuân nhân ái!”.

Với phương châm “Đoàn kết , tự nguyện, tự chủ và nhân ái!”. Hội đã hình thành một hệ thống tổ chức từ Hội tỉnh đến các hội thành viên, các chi hội ở cơ sở xã, phường, thị trấn và các tổ chức khác.
Qua 20 năm sâu nặng ân tình, Hội đã đạt và vượt xa các chỉ tiêu mà đại hội các nhiệm kỳ đã đề ra. Sự hoạt động của Hội luôn gắn với nhu cầu thực tế trên từng địa bàn, nhu cầu trợ giúp, các đối tượng cần trợ giúp, bám sát mục tiêu an sinh xã hội của tỉnh nhà, luôn linh hoạt sáng tạo để kết quả hoạt động năm sau cao hơn năm trước. Hội đã được cả triệu triệu lượt tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ. Đã có nhiều nhà tài trợ ủng hộ Hội thật vô cùng cảm kích như: các em học sinh dành tiền ăn sáng, anh bán thịt heo, các cán bộ về hưu dành dụm tiền lương ít ỏi của mình, cán bộ khi nhận danh hiệu, tiền thưởng, các văn nghệ sĩ, nhà báo dành tiền nhuận bút, các vị tu hành, các doanh nghiệp công ty, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, bà con Việt kiều v.v…đã góp phần làm nên mùa xuân nhân ái tươi đẹp.

Bên cạnh đó ta cũng không thể quên các hội viên ở các cấp hội không quản ngày đêm tìm đến từng mảnh đời khó khăn để kêu gọi, để vận động mang đến niềm vui cho mọi nhà, mọi người và càng đặc biệt hơn chúng ta luôn trân trọng cảm ơn các thầy thuốc, các bác sĩ ở các bệnh viện từ cơ sở đến TW đã đem lòng “Lương y như từ mẫu”, để chăm sóc điều trị cho các bệnh nhân nghèo, người tàn tật. Và trong những yếu tố quan trọng, đó là sự quan tâm lãnh chỉ đạo và sự giúp đỡ của các cơ quan đảng, mặt trận, đoàn thể, chính quyền các cấp để mùa xuân thứ 20 này Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre đã vận động và mang đến cho người nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi qua các chương trình trên 1 ngàn tỷ đồng, góp phần quan trọng vào mục tiêu an sinh xã hội của tỉnh nhà. Tính đến tháng 9/2023 các hoạt động của Hội đã đạt được:

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Bến Tre đã có 35.666 người con đã anh dũng hy sinh, trong đó có 948 liệt sĩ là phụ nữ, khoảng 140 liệt sĩ dưới 15 tuổi, khoảng 1.500 liệt sĩ từ 15 đến dưới 18 tuổi; trên 20.340 người mang đầy thương tích, bệnh tật; 4.047 người bị tù đày, với 6.934 Mẹ Việt Nam anh hùng, 3.715 người hoạt động  cách mạng bị nhiễm chất độc dioxin.

Tính đến tháng 9/2023 các hoạt động của Hội đã đạt được:

- Phẫu thuật tim    1.235 ca.

- Phẫu thuật mắt    33.104 ca.

- Cấp xe lăn – xe lắc 6.278 chiếc.

- Xây nhà tình nghĩa, tình thương, nhà mái ấm trái tim 2.843 căn.

- Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí 650.760 lượt bệnh nhân.

- Cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo 50.116 suất, hàng ngàn chiếc xe đạp và hàng triệu tập vở học sinh.

- Gắn tay – chân giả cho người khuyết tật 3.480 trường hợp.

- Bếp ăn miễn phí 5.951.566 suất.

- Xây cầu nông thôn 999 cây.

- Cấp BHYT cho hộ cận nghèo 85.187 thẻ, hàng nghìn chiếc quan tài cho người nghèo khi qua đời.

- Quà tết cho người nghèo 978.846 suất.

- Tặng ống hồ, bồn chứa nước ngọt 8.615 cái.

- Hỗ trợ đợt dịch Covid-19       : 22.800.358.300 đồng

Tổng trị giá các chương trình: 1.180.359.943.996 đồng (trên 1.180 tỷ đồng).

Con số trên nhằm đánh giá kết quả hoạt động của Hội, còn đối với việc làm từ thiện thì không có con số cuối cùng.

Hai mươi mùa xuân ấy không phải hoa tươi và nắng đẹp mà là mùa xuân của lòng bác ái, nhân văn trên quê hương xứ dừa./.

Các tin cùng chuyên mục