Gần gũi với ông Lê Huỳnh, tôi biết điều ông luôn đau đáu, lo toan hiện nay và cho đến hết đời của ông là làm sao cứu được nhiều hơn nữa những trẻ em mang bệnh tim ngặt nghèo và giúp nhiều hơn nữa cho trẻ em bất hạnh.
Lúc tôi đang ngồi uống trà với ông Lê Huỳnh, từ ngoài cổng nhà ông có tiếng của một đứa trẻ gọi vào: "Ba Năm, ba Năm ơi...".
Những vị khách đặc biệt
Ông Lê Huỳnh vội bước ra cổng. Rồi ông dẫn một đứa trẻ vào nhà, hai ông cháu vừa đi vừa hỏi chuyện nhau như người thân trong gia đình. Ông giới thiệu với tôi: "Em này là đứa Nguyễn Văn Sách, học lớp 6, nhà ở tuốt quê biển Thạnh Phú, Bến Tre. Em đã được mổ tim. Nay sức khoẻ phục hồi, tự em tìm đường đến nhà thăm tôi". Sống nơi nắng gió miền biển, da thịt em Sách đen đúa, tóc vàng cháy. Từ Thạnh Phú, Sách nhảy xe buýt đến thị xã Bến Tre rồi đi xe ôm, chính ông xe ôm là người đưa em tới đúng địa chỉ nhà ông Lê Huỳnh. Sách tự tin: "Ba Năm hồi đó là chủ tịch tỉnh Bến Tre, hỏi ai mà không biết...". Rồi em nói với tôi em sẽ xin ba Năm cho ở lại với ông ít ngày.
Ông Lê Huỳnh (giữa) nghe em Nguyễn Hoàng Phước thổi kèn Saxophone
Còn nhớ hồi tết năm 2007, trong số những gia đình có con em đã được mổ tim đến thăm ông Lê Huỳnh, có mẹ con em Nguyễn Trọng Hữu. Gia đình Hữu ở Hương Mỹ, rất nghèo. Nhà chỉ có trồng một cây me nên quà tết cho ông Lê Huỳnh là mấy ký me. Em Hữu trước đây bị bệnh tim rất nặng, sau đó nhờ Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật tỉnh Bến Tre hỗ trợ chi phí mổ tim, em được tiếp tục sống và trở lại trường học.
Em Trương Thị Bích Liễu ở Giồng Đồng, xã Tân Lợi Thạnh (Giồng Trôm) trước đây bị bệnh tim bẩm sinh và mù hai mắt từ nhỏ, cha bệnh tâm thầm, gia đình rất nghèo không có điều kiện chữa trị, bệnh tình kéo dài hơn 14 năm. Được hội lo chi phí đi mổ tim, mổ mắt nay sức khoẻ của em đã phục hồi, mắt sáng. Hôm tôi và ông Huỳnh về Giồng Đồng thăm Liễu, chúng tôi rất xúc động khi thấy Liễu đã tự chạy xe đạp trên đường đê. Biết ơn ông Huỳnh, từ quê nhà, ông nội của cháu Liễu chở lên thị xã Bến Tre... bốn trái dừa xiêm tặng ông Huỳnh uống lấy thảo.
Những vị khách "đặc biệt" thường đến thăm ông còn có các trẻ tại Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật, Trường Trẻ em vào đời sớm Bến Tre. Em Nguyễn Hoàng Phước, mù hai mắt, được Hội Trẻ em nạn nhân chất độc da cam của Pháp mời sang Pháp, khi trở về nước, một thầy ở Pháp tặng em chiếc kèn saxophone. Một chiều đến thăm ông Lê Huỳnh, em Phước thổi kèn cho ông nghe...
Ông Lê Huỳnh sinh ra ở xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Năm nay ông bước vào tuổi 68, không vợ, không con. Kính trọng và thương mến ông nên các trẻ bất hạnh, các trẻ đã được mổ tim thường gọi ông bằng ba - ba Năm.
"Itoga Việt Nam "
hời làm phó chủ tịch, rồi chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Lê Huỳnh luôn dành một phần quan tâm đặc biệt cho những hoạt động xã hội, từ thiện tại tỉnh nhà. Năm 1990, từ vận động của ông, Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam của Nhật Bản đã giúp Bến Tre xây Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật, là mái nhà ấm áp tình nhân ái cho trẻ bại liệt, khiếm thị, khiếm thính, trẻ chậm phát triển và trẻ mồ côi. Cũng từ vận động của ông Lê Huỳnh, từ năm 1993, Hiệp hội sứt môi, hở hàm ếch Nhật Bản đã đến với Bến Tre. Từ đó đến nay, hiệp hội này đã phẫu thuật trả lại nụ cười cho hơn 1.000 người ở Bến Tre.
Con của chị Tống Thị Lũy được Hội hỗ trợ chi phí trị bệnh
Nhật Bản được biết đến như một xứ sở phồn vinh nhưng cũng là một quốc gia nếm trải nhiều vị đắng của chiến tranh. Chính vì thế mà có những người Nhật như Itoga Kazio, một đời đi tìm ánh sáng của cuộc cho những đứa trẻ tật nguyền. Năm 1997, gần 39 năm sau khi ông mất, giải thưởng mang tên ông ra đời, hằng năm trao cho 1-3 người Nhật Bản và các quốc gia châu Á.
Năm 2002, trong ba người nhận giải Itoga Kazio lần thứ sáu, có tên một người Việt Nam: Lê Huỳnh. Trước đó, trong thư giới thiệu ông Lê Huỳnh là ứng viên của Việt Nam cho giải thưởng Itoga, bác sĩ Kiyoshi Takaya - chủ tịch Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam của Nhật Bản - viết: "Trong 10 năm qua tôi đã hợp tác giúp đỡ trẻ em Việt Nam, đặc biệt là ở Bến Tre. Trong thời gian đó, tôi được biết ông Lê Huỳnh và những hoạt động dành cho trẻ em của ông ấy. Tôi đánh giá cao những gì ông ấy đã và đang làm cho trẻ bất hạnh ở Bến Tre...".
Trong mọi hoạt động từ thiện, nhân đạo của ông Lê Huỳnh, có lẽ ông cũng mang nặng triết lý như ông Itoga Kazio: dù một trẻ khuyết tật nặng đến đâu thì điều quan trọng nhất phải làm là giúp phát triển cuộc sống của trẻ đó như bao người khác.
Không tiền là chết, chậm cũng chết
Năm 2001, khi đến tuổi về hưu, ông vẫn đi tiếp con đường phục vụ quê hương theo một cách khác: từ trái tim đến những trái tim. Chủ tịch tỉnh Lê Huỳnh sau khi về hưu vẫn là chủ tịch: chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật tỉnh Bến Tre, và không ai dám chắc là trách nhiện của chức chủ tịch nào thì nhẹ nhàng hơn. Năm 2003, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật được thành lập. Từ vận động của hội, phòng khám - điều trị bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo đã được xây dựng với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng do các nhà hảo tâm đóng góp. Ở đó có 30 bác sĩ và hàng chục điều dưỡng viên của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu tình nguyện làm việc không nhận thù lao. Trong các chương trình hoạt động của hội như: đem lại ánh sáng cho người mù nghèo, hỗ trợ chi phí phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em, khám cấp thuốc và điều trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo, học bổng cho trẻ em sau mổ tim, học sinh, sinh viên mồ côi và khuyết tật, hỗ trợ xe lăn cho người khuyết tật, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, tình thương..., ông Lê Huỳnh đặc biệt nặng lòng với trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Mở đầu chương trình vận động mổ tim miễn phí cho các cháu vào cuối năm 2003, ông Lê Huỳnh đã đi khảo sát số trẻ bị bệnh tim khắp các xã vùng sâu vùng xa, vùng kháng chiến cũ tại Bến Tre. Qua khảo sát, ông thật bàng hoàng khi biết hiện ở tỉnh nhà còn hàng trăm trẻ cần được mổ tim kịp thời, trong khi mỗi ca mổ tim phải cần chi phí 40-50 triệu đồng. |
Năm năm qua, để lo cho bệnh nhân nghèo, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật tỉnh Bến Tre đã vận động được từ các nguồn trên 50 tỉ đồng để đem lại ánh sáng cho 9.046 người được mổ mắt đặt thuỷ tinh thể miễn phí, hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh cho 200 trẻ em và chi nhiều tỉ đồng cho chương trình khám cấp thuốc, điều trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Hỗ trợ học bổng cho trẻ em sau mổ tim, học sinh, sinh viên mồ côi và khuyết tật. Hỗ trợ xe lăn cho người khuyết tật và hỗ trợ các chương trình khác như xây nhà tình nghĩa, tình thưng, khám chữa răng miệng cho trẻ em... |
Ông Lê Huỳnh xúc động kể lại: "Vừa mới bước vô chương trình mổ tim cho các cháu tôi đã bị sốc nặng...". Giải thích về "cú sốc" đầu tiên này, ông cho biết đó là những trường hợp chưa vận động được nguồn tài trợ và khi vừa vận động được, vừa có tiền thì không kịp cứu các cháu. Như trường hợp cháu Nguyễn Lê Yến Nhi (sinh 2003) bị tim bẩm sinh rất nặng, lúc mới 9 tháng tuổi. Mẹ cháu bế cháu đến hội kêu cứu nhưng lúc đó hội đâu có tiền.
Thế là mẹ bế con về nhà... nằm chờ, rồi khi hội vận động được tiền để lo mổ tim cho cháu thì cháu đã qua đời! Em Hồ Ngọc Thương (sinh 1992) và người cháu là Hồ Quốc Kha (sinh 1999) cùng bị bệnh tim, gia đình cả hai cô cháu đều nghèo. Cháu Kha được hội đưa đi mổ tim trước, kết qủa cháu được cứu sống, sau đó đến trường. Thấy cháu mình mổ tim sức khoẻ phục hồi nhanh nên em Thương xin được đi mổ tim. Song đau thay, vì bệnh tim của em Thương quá nặng, lúc đưa em đến Bệnh viện Chợ Rẫy để mổ thì em đã chết! Còn cháu Như Quỳnh, 4 tuổi, bị bệnh tim tứ chứng Fallot rất nặng. Sau gần một năm vận động hội mới có đủ chi phí lo cho em đi mổ tim. Đến bệnh viện, lịch mổ tim cho em là lúc 4 giờ chiều nhưng em đã không qua nổi lúc 2 giờ!...
Ông Lê Huỳnh đi khảo sát tim tại huyện biển Thạnh Phú
Đến nay, trong 200 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh được hội vận động phẫu thuật tim an toàn, trường hợp cháu Yến Nhi, em Thương, cháu Như Quỳnh luôn luôn làm ông Lê Huỳnh ray rứt. Ông thốt lên: "Không tiền là chết, có tiền chậm cũng chết! Một gia đình nghèo nếu chẳng may sinh ra cháu nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh, không tiền chữa trị, bệnh kéo dài thì khổ biết dường nào! Nhiều trường hợp cha mẹ không có tiền đành phải ôm con ở nhà chờ chết. Nhiều hoàn cảnh thật thương tâm!".
Ông Lê Huỳnh đã về hưu nhưng chưa hề nghỉ. Và ông lại tiếp tục đi, đi vận động khắp nơi để có tiền mổ tim cho các cháu mắc bệnh tim đang nằm thấp thỏm đợi chờ.