Từ ngày 25/5/2023 đến ngày 04/6/2023, Đoàn Thiện nguyện Mercer on Mission, gọi tắt là Đoàn Thiện nguyện (thuộc Chương trình hoạt động hỗ trợ phát triển trợ giúp nhân đạo tại Việt Nam của Trường Đại học Mercer Hoa Kỳ) về tỉnh Bến Tre hoạt động theo giấy phép của PACCOM Việt Nam và của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tại Quyết định số 627/QĐ-UBND, ngày 28/3/2023 về việc phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ “Lắp chân tay giả và khám điều trị bệnh xương khớp miễn phí cho người nghèo, người khuyết tật”.
Đoàn Thiện nguyện về Bến Tre lần thứ 18
Đoàn có 51 người, gồm các GS, BS, KTV, sinh viên, tình nguyện viên, trong đó có 6 người quốc tịch Việt Nam, 45 người quốc tịch Mỹ, đã về đến Bến Tre lúc hơn 3 giờ sáng ngày 26/5/2023, sau một chuyến đi dài từ Mỹ đến Việt Nam (do công việc, nên có một số người sẽ đến sau). Tuy rất mệt nhọc và ảnh hưởng giờ giấc sinh học, nhưng đúng 9 giờ sáng hôm đó (26/5/2023), lãnh đạo Đoàn đã đến làm việc với Thường trực Hội BTBNN tỉnh Bến Tre. Các thành viên khác của Đoàn bắt tay ngay vào việc chuẩn bị dụng cụ, phương tiện để ngày hôm sau (27/5/2023) tiếp nhận, khám trị bệnh, làm chân tay giả cho bệnh nhân. Đoàn đã mượn sân Sở Y tế để tập kết, phân loại vật tư, thiết bị, thuốc men, một khối lượng phương tiện phục vụ khám, chữa bệnh thật khổng lồ. Các bạn đã làm việc ròng rã, cật lực, nhiệt tình, chu đáo, không hề tỏ ra mệt mõi, thật đáng khâm phục. Đến 23 giờ cùng ngày (26/5) mới tạm kết thúc công việc chuẩn bị cho ngày hôm sau.
Đoàn Thiện nguyện Mercer on Mission
Người Trưởng đoàn vừa được phong tặng danh hiệu Công dân Đồng khởi danh dự năm 2023
Ông Võ Văn Hà là Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa kỹ thuật, Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình của trường Đại học Mercer ở Macon, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. Ông là Trưởng Đoàn Thiện nguyện Mercer on Mission - Việt Nam, là người đi những bước đi tiên phong trong việc thiết kế và lắp tay chân giả với phí tổn thấp ở các nước đang phát triển, trong đó có quê hương Việt Nam của Ông. Chương trình “Mercer On Mission” do GS.TS.BS Võ Văn Hà khởi sự tại Đại học Mercer Hoa Kỳ từ năm 2009. Suốt hơn 10 năm trước đại dịch COVID-19, chương trình này hoạt động liên tục tại Việt Nam, trong đó có Bến Tre, đã hỗ trợ các bác sĩ và chuyên viên kỹ thuật địa phương lắp chân tay giả cho những người bị mất chi, chủ yếu do tai nạn lao động, tai nạn giao thông và bom mìn còn lại sau cuộc chiến tranh Việt Nam.
Đoàn Thiện nguyện Mercer on Mission - Việt Nam, với hàng chục thành viên là bác sĩ người Mỹ và Việt kiều đang sinh sống, làm việc, học tập tại Mỹ, đặc biệt là những du học sinh của Việt Nam đang theo học tại Trường Đại học Mercer Hoa Kỳ, hoặc những tình nguyện viên. Từ năm 2014 đến trước đại dịch COVID-19, ông Võ Văn Hà cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh tổ chức 17 đợt gắn 1.751 chân giả, 122 tay giả; khám, điều trị xương khớp và cấp thuốc miễn phí cho 10.026 lượt bệnh nhân và tặng quà cho bệnh nhân nghèo, trị giá quy thành tiền trên 22,3 tỷ đồng.
Lần thứ 18 này, dự kiến Đoàn sẽ tổ chức khám, lọc bệnh, làm chân, tay giả từ ngày 27/5 đến 30/5 (ngày 31/5: tạm nghỉ) và từ ngày 01/6 đến 04/6/2023. Đoàn dự định lắp 375 chân giả, 80 tay giả, khám trị bệnh cho 560 bệnh nhân mắc bệnh xương khớp của tỉnh Bến Tre và một số tỉnh, thành phố lân cận. Sau đó Đoàn sẽ đến Kiên Giang để tiếp tục chuyến hành trình kết nối yêu thương, đem đến những cái chân, những cánh tay giả, nhưng bằng những tấm lòng chân thật của những người con nước Việt xa xứ và cả những người thiện nguyện tận trời Tây, cách nhau nửa vòng trái đất. Về Bến Tre lần này, câu nói đầu tiên từ các GS, BS lớn tuổi đã nhiều lần đến Bến Tre là: “như được trở về nhà sau mấy năm xa cách vì dịch bệnh”.
Những bệnh nhân đầu tiên
Theo kế hoạch, Đoàn làm việc suốt thời gian nêu trên (chỉ nghỉ ngày 31/5/2023), làm cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật, không kể giờ giấc, khi nào hết bệnh nhân mới nghỉ. Dự định ngày đầu tiên (27/5) sẽ tiếp nhận bệnh nhân ở huyện Mỏ Cày Bắc để gắn 42 chân giả, 8 tay giả và khám 40 bệnh nhân mắc bệnh xương khớp. Nhưng do mới sáng sớm trời đã đổ cơn mưa nặng hạt suốt nhiều giờ, nên bệnh nhân ở xa không đến được. Vì vậy, chỉ thực hiện được 33 chân giả (cho 32 người), 8 tay giả; cùng với hơn 30 người được khám, điều trị xương khớp. Dù bệnh nhân không đến đủ số lượng như kế hoạch, nhưng do khối lượng công việc phải làm rất lớn, vì vậy Đoàn đã làm việc cật lực đến gần 23 giờ mới kết thúc ngày “thử việc” đầu tiên.
Đến sáng ngày 28/5, bệnh nhân của huyện Châu Thành và một số bệnh nhân ngày đầu tiên chưa đến đã đến rất sớm để mong được gặp những người thầy thuốc thiện nguyện của nước Mỹ xa xôi.
Đem đồ giả đến cho người khuyết tật bằng cả tấm lòng bao la, chân thật
Có những trường hợp thật xúc động, 02 người bệnh bị cụt cả 2 chân, sau khi lắp cặp chân giả, đã tự đi những bước chân đầu tiên, nhẹ nhàng, vững chãi trong sự vui mừng khôn tả, không chỉ của bệnh nhân và người nhà, mà đó cũng là niềm vui mừng, sung sướng, với những tràng vỗ tay của những người thầy thuốc thiện nguyện để khích lệ, động viên bệnh nhân và cũng để tự tưởng thưởng cho chính mình.
Bệnh nhân bị cụt 2 chân, sau khi lắp chân giả đã tự đi rất vững chãi.
Có trường hợp cụt một tay, khi lắp xong tay giả, đã tự cầm được chai nước lọc để tự uống. Đặc biệt, có một trường hợp cụt cả 2 tay, dù rất khó khăn để lắp tay giả, nhưng Đoàn đã kiên trì làm lại nhiều lần, tốn rất nhiều thời gian, công sức, cả ê kíp 6 – 7 người là bác sĩ, kỹ thuật viên, sinh viên, ai nấy đều mệt nhoài, mồ hôi ướt cả lưng áo, cuối cùng công sức và quyết tâm đã được đền đáp. Bệnh nhân tự cầm chai nước lọc bằng 2 tay giả mới được trao tặng, đưa lên miệng uống những ngụm nước thật mát dạ, mát lòng bởi tình thương yêu của những người thầy thuốc không biên giới.
Bệnh nhân bị cụt 2 tay, sau khi gắn tay giả đã tự cầm chai nước uống.
Có những bệnh nhân là phụ nữ, thanh niên, trung niên trụ cột lao động của gia đình, có những cụ già, trẻ em còn trong lứa tuổi học sinh bị mất tay, mất chân do tai nạn, cũng kiên trì chờ đợi khá lâu để làm được một chiếc chân giả, tay giả đầy nghĩa tình.
Những bệnh nhân bị bệnh xương khớp, cũng đã được tiếp nhận, thăm khám, làm vật lý trị liệu và cấp thuốc điều trị miễn phí. Những bệnh này đòi hỏi phải điều trị kiên trì, cần thời gian, kết hợp giữa thuốc và tập luyện đúng cách.
GS.TS.BS Võ Văn Hà và Kỹ thuật viên đang trị bệnh xương khớp cho bệnh nhân.
Đôi điều mong ước
Con đường thiện nguyện của Đoàn còn thênh thang phía trước, chắc hẳn rằng lần thứ 18 này và sẽ còn những lần thứ 20 hay nhiều hơn nữa, Đoàn sẽ lại về Bến Tre. Mong rằng chỉ với 8 ngày ngắn ngũi, Đoàn sẽ thực hiện trọn vẹn kế hoạch mà những người thiện nguyện ở một xứ sở rất xa xôi, nhưng cái tình, cái nghĩa rất gần gũi với những bệnh nhân nghèo, người khuyết tật của tỉnh nhà. Chúng ta đã cùng tin tưởng nhau, chờ đợi nhau bấy lâu nay và hy vọng rằng sẽ cùng nhau đi tiếp trên con đường thiện nguyện “Tất cả vì người nghèo, bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi của tỉnh Bến Tre, không để một ai bị bỏ lại phía sau”.