Site banner

Những giấc mơ lớn

Tác giả: 
Huỳnh Yến

Em vẫn còn nhớ như in cái cảm giác của một đứa trẻ ba tuổi phải chiến đấu để vượt qua nỗi đau về thể chất lẫn tinh thần sau cơn sốt bại liệt, để rồi em lớn lên mà chưa bao giờ nghĩ sẽ được đón nhận một tương lai tốt đẹp như những người bình thường khác. Thế nhưng, với tấm bằng thạc sĩ khoa học nhận từ trường Victoria - Úc, em có thể tự hào rằng thế giới này luôn mỉm cười với những ai luôn tin tưởng, lạc quan, và không ngừng cố gắng. Em tâm sự.

Em là Đỗ Tấn Khang, cựu học sinh khoá đầu tiên ra trường của Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Bến Tre. Nơi mà em xem như ngôi nhà thứ hai trong cuộc đời hơn 20 năm qua. Những ký ức về tuổi thơ, về mái ấm gia đình, về nơi mà hàng trăm trẻ em bị thiệt thòi tìm tình thương, nơi mà các em được hình thành và được nuôi lớn lòng tự tin rằng các em sẽ trở thành những người hữu ích cho xã hội.

Khang trong giờ thực tập
 
Nghe kể về em đã nhiều, nhưng lần đầu gặp em là ngày tiễn em lên đường sang nước Úc du học cách đây 2 năm, và một ngày cuối năm 2011 là lần gặp thứ 2, cũng là ngày em vừa nhận tấm bằng thạc sĩ khoa học và bay về lại Việt Nam, đem những gì học được về góp phần vào công cuộc phát triển quê hương, đất nước, như mong ước của em trước khi tìm đến với học bổng này. Thoả nguyện biết bao tấm thân tình của gia đình, thầy cô, bè bạn, quí nhà tài trợ đã hi vọng nơi em.
 
"Dám mơ những giấc mơ lớn" để quên đi cái không hoàn thiện của bản thân, để sẻ chia, để hiểu, để có động lực cố gắng . Thật vậy, nếu không tâm niệm được như thế, thì năm đó, sau khi hoàn thành lớp hai thì em phải chia tay ngôi trường nhỏ gần nhà để đến nhập học ở một nơi khác xa hơn trong xã. Ngay chính lúc này đây, em mới thực sự hiểu được cái khó khăn của đôi chân không thể tự đi bộ và cũng không có phương tiện nào thay thế được. Ý chí như vụt tắt, thì cánh cửa hy vọng lại mở ra khi các cô chú của Trung tâm bảo trợ trẻ em tỉnh Bến Tre đến kêu gọi gia đình đưa em học ở trường nội trú.
 
Tám tuổi, gạt nước mắt rời xa gia đình, em bước đến ngôi nhà mới với một ít tia hy vọng. Thời khắc mà em phải tập làm quen với cuộc sống không có người thân bên cạnh là lúc mà em hiểu được, các em, những đứa trẻ kém may mắn phải sống cùng nhau, chơi đùa cùng nhau, và thậm chí là khóc cùng nhau vì nhớ nhà, nhớ má. Thời gian trôi đi cũng mang theo nỗi nhớ đó xa dần khỏi thế giới của các em. Ở nơi đây, trường học là nhà, thầy cô trở thành "ba má" thân yêu, và bạn bè xem nhau như anh em. Cứ thế, đại gia đình này đã mang lại những hạnh phúc rất tự nhiên. Các em được động viên, an ủi và được yêu thương từ gia đình, từ "ba má". Chính tình thương đó đã giúp các em vượt qua những trở ngại, mặc cảm và thắp sáng cho niềm tin vào tương lai. Các em không chỉ được trang bị hành trang tri thức, rèn luyện thân thể mà còn được học những bài học của trải nghiệm để sống tốt hơn, vững chắc hơn. Nơi đây, các em đã quên mình là những trẻ em khiếm thị, khiếm thính hay kém phát triển.
 
Em hãnh diện vì là một trong ba học sinh đầu tiên của trường có thể tự tin hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng. Nhờ những suất học bổng hàng năm cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Tuy không nhiều nhưng là nguồn động viên rất lớn cho các em trong lúc khó khăn. Và giờ đây em đã đạt được những thành công nhất định.
 
Khang tham gia giới thiệu văn hóa Việt Nam tại Trường Đại học Victoria
 
Nói như Christian Bovee, "Lòng nhân ái là một ngôn ngữ mà người câm cũng có thể nói được và người điếc cũng có thể nghe và hiểu". Đúng vậy, em đã thực sự nắm được bài học về lòng nhân ái để không còn mặc cảm về đôi chân của mình. Em có đủ sự tự tin để phấn đấu cho những hoài bão mà trước đây là quá xa vời với em. Và đặc biệt, gặt hái càng nhiều thành công. Em vô cùng vui sướng khi biết được một số anh chị đã tốt nghiệp Đại học và ở lại trường để công tác, một số bạn đã và đang tiếp tục học Đại học, Cao đẳng và trung học nghề. Và hơn thế nữa, nhiều bạn đã lập gia đình và hiện có cuộc sống ổn định và hanh phúc bên những đứa con kháu khỉnh và ngoan ngoãn. Với sự mở rộng về qui mô nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh, em tin rằng tất cả trẻ em bất hạnh ở Bến Tre sẽ được chắp cánh cho những ước mơ trở thành hiện thực.
 
Mặc dù những ngày nơi xứ người gặp nhiều khó khăn, mỗi khi trời trở lạnh, lạnh lắm so quê nhà, nhưng những ký ức và niềm hạnh phúc khi sống ở ngôi nhà thứ 2 giúp cho lòng em ấm lại. Trong quá trình học, em đã tham gia nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Ngoài ra, em còn tham gia trong các hoạt động của Hội sinh viên quốc tế nhằm giúp đỡ các bạn sinh viên khác trong học tập cũng như trong cuộc sống xa nhà và em mong sẽ mang ngọn nến thắp sáng tương lai cho các bạn có hoàn cảnh kém may mắn như em.
 
Ý chí và niềm tin, em sẽ nói với các bạn rằng "khuyết tật chỉ là hòn đá nhỏ trên con đường hướng tới tương lai của chúng ta". Chúng ta nguyện sẽ luôn phấn đấu để là một người con ngoan của gia đình, người công dân tốt cho xã hội, và sau đó là góp một phần khả năng của mình trong công cuộc phát triển của quê hương, đất nước.

Các tin cùng chuyên mục