Sự chung tay của muôn vạn tấm lòng nhân ái đã cứu giúp, đem lại sự sống cho hàng trăm bệnh nhân nghèo ở Bến Tre.
Tối 30-5, nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế thiếu nhi, Tháng hành động "Vì trẻ em", Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật tỉnh Bến Tre (BTBNN&NTT.BT) tổ chức đêm văn nghệ tri ân những tấm lòng nhân ái, mừng ca mổ tim thứ 400 thành công.
380 trẻ thoát cảnh bệnh tật
Ông Huỳnh Văn Cam (Lê Huỳnh), Chủ tịch Hội BTBNN&NTT.BT, phấn khởi cho biết ca mổ tim thứ 400 đạt kết quả rất mĩ mãn dù bệnh nhân vẫn chưa xuất viện. Đó là trường hợp của em Nguyễn Văn Khanh (11 tuổi), ngụ xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú, được tài trợ chi phí trên 84 triệu đồng, phẫu thuật tim vào giữa tháng 5-2010.
Gia đình của Khanh thuộc diện hộ nghèo. Năm lên hai tuổi, cậu bé đã phải vĩnh viễn mất cha (trên đường đi làm thuê tận miệt Đồng Tháp Mười về nhà, cha em đã té sông chết). Mẹ của Khanh phải gửi con nhỏ cho người cậu, lang bạt lên đất Sài Gòn làm nghề giúp việc nhà kiếm tiền nuôi con. Nếu không tiếp cận được với chương trình tài trợ của Hội BTBNN&NTT.BT, chứng bệnh tim đe dọa tính mạng bé Khanh từng ngày. Giờ đây cậu bé đã có thể vô tư vui đùa với bè bạn cùng trang lứa mà không phải thường xuyên lên cơn mệt tim, phải thở hổn hển như ngày nào...
Giọng ông Lê Huỳnh chùng lại, ánh mắt ông đượm buồn khi nhớ về những ngày đầu (cuối năm 2003) đi vận động tìm nguồn để giúp phẫu thuật tim bẩm sinh cho bé Nguyễn Lê Yến Nhi (xã Thành Triệu, huyện Châu Thành). "Biết cháu Nhi bị bệnh rất nguy kịch nhưng lúc đó mình chẳng thể tìm đâu ra số tiền hàng chục triệu đồng cho ca phẫu thuật. Loay hoay mãi, đến khi vận động đủ tiền thì... bé đã mất!" - ông kể, giọng nghẹn ngào. Từ câu chuyện đau lòng đó, Hội BTBNN&NTT.BT quyết liệt hơn với chương trình vận động tài trợ giúp phẫu thuật tim cho những trẻ em quê mình. Đến hôm nay đã có 380 trẻ (phần đông gia đình rất nghèo) được chữa lành bệnh, đang cắp sách đến trường, đi học nghề, hoặc làm thuê kiếm sống.
Gia đình và bé Quế Trân (một trong số những ca phẫu thuật tim thành công)
đến cảm ơn ông Lê Huỳnh cùng những thanh niên hiến máu cho bé. Ảnh" T.PHÚC
Trong số này có các em: Thủy, Nhiển, Dung, Trinh... ở Bình Đại, Thạnh Phú, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, đang làm công nhân tại TP.HCM. Thi thoảng các em vẫn tìm về với hội như một mái ấm chung để tri ân những tấm lòng thiện nguyện đã giang tay cứu giúp.
Em Ngô Hoàng Phước (xã Thạnh Phước, Bình Đại) sau phẫu thuật tim, học xong THPT, thi đậu vào trường trung cấp nghề và đang theo học tại Vĩnh Long. Năm học vừa qua, chương trình đã cứu giúp nhiều em khác khỏi bệnh, thi đậu vào các trường cao đẳng, trung cấp nghề.
Sau những ca phẫu thuật, hội còn tiếp tục hỗ trợ các em những suất học bổng, tiếp sức cho các em đến trường (bậc tiểu học 500.000 đồng/năm, bậc trung học 1 triệu đồng/năm). Bên cạnh đó, hội còn giúp xây dựng 30 căn nhà "mái ấm trái tim" khá khang trang dành cho những hoàn cảnh thật khó khăn về nhà ở. Cho đến nay, theo ban thường trực của hội, vẫn còn những trẻ em vùng sâu bị bệnh tim, song vì gia đình quá nghèo, thiếu phương tiện nghe nhìn nên gia đình các em không biết và chưa đến gõ cửa nhờ hội giúp đỡ.
Giang rộng vòng tay cộng đồng
Trên 60 tỉ đồng là tổng số tiền hơn sáu năm qua hội vận động được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ để hội thực hiện nhiều chương trình từ thiện mang tính nhân văn dành cho bệnh nhân nghèo, người tàn tật trong tỉnh.
Không thể kể hết một bảng vàng dài ngoằng những thiện nguyện viên trải lòng với quê hương Bến Tre. Chỉ riêng 400 ca phẫu thuật tim (bình quân 50-70 triệu đồng/ca), hội đã vận động tài trợ và chi phí phẫu thuật trên 20 tỉ đồng. Cá biệt có ca phức tạp, chi phí lên tới 120 triệu đồng.
Bé Nguyễn Văn Khanh (ca phẫu thuật tim thứ 400) đã phục hồi sức khỏe,
đang chơi đùa với bạn tại bv Tim Tâm Đức. Ảnh do Hội BTBNN&NTT.BT cung cấp
Từ năm 2004 đến nay Hiệp hội Doanh nhân Đức đã giúp Bến Tre chi phí mổ tim trên 100 ca. Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM giúp 60 ca. Quỹ từ thiện Vinacapitol, Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam (Nhật Bản). Hội từ thiện Từ Tế (Đài Loan), Ngân hàng TMCPCT.VN, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang, cùng nhiều tổ chức, cá nhân đã đóng góp, kịp thời cứu giúp các em. Song song đó còn có tấm lòng, trí tuệ của đội ngũ bác sĩ BV Chợ Rẫy, Viện Tim, BV Triều An, BV Nhi đồng, BV ĐH Y Dược (tại TP.HCM) đóng góp rất lớn cho sự thành công những ca phẫu thuật.
Hướng đến những trụ cột gia đình
Trong số 400 ca phẫu thuật tim thành công thời gian qua, có 20 ca dành cho người lớn. Số ca này đều là những trường hợp bức bách về sức khỏe. Hội không thể đứng nhìn các bậc cha mẹ bệnh tim, sức tàn lực kiệt khi đàn con của họ đang rất cần một điểm tựa...
Trường hợp của chị Hồ Huyền Linh (thị trấn Mỏ Cày), chồng đi làm thuê, một mình chị ở nhà, người liên tục run lên do những cơn đau tim hành hạ vẫn phải hai tay nách hai con. Được giúp phẫu thuật, sau khi khỏi bệnh chị Linh đã tìm được cho mình nghề bán bánh mì để mưu sinh, cùng chồng nuôi con.
Theo hội, hiện còn hơn 100 hồ sơ, phần đông là người lớn thuộc diện hộ nghèo, bị bệnh tim nặng cần được giúp đỡ phẫu thuật. Hội đang vận động các tổ chức, cá nhân giàu lòng nhân ái chung tay góp sức để các bệnh nhân sớm vượt qua cơn hiểm nghèo.
Theo ông chủ tịch hội, cha mẹ là trụ cột trong gia đình. Giúp người lớn thoát khỏi bệnh tật sẽ góp phần xây dựng một mái ấm gia đình bền vững. Cha mẹ mạnh khỏe, làm ra của cải, con cái không phải thất học, tránh được cảnh sống mồ côi thiếu nơi nương tựa.
"Chi phí phẫu thuật cho người lớn sẽ cao nhưng hội tin tưởng và kỳ vọng các nhà hảo tâm gần xa đã đồng hành cùng hội trong thời gian qua sẽ tiếp tục ủng hộ việc làm đầy ý nghĩa này" - một thành viên ban thường trực hội khẳng định.
"Có ba trường hợp sau khi đã làm xong các thủ tục nhập viện, xét nghiệm..., chưa kịp lên bàn mổ thì bệnh nhân đột ngột lên cơn đau tim, sau đó tử vong. Điều khiến chúng tôi rất buồn là nếu được tài trợ phẫu thuật sớm hơn thì đâu đến nỗi. Trên bàn mổ chúng tôi bị "sẩy" hai ca, dù tỉ lệ này rất thấp so với 400 ca thành công nhưng mọi người cứ bùi ngùi tiếc nuối! Năm trường hợp khác không thể mổ được vì bệnh quá nặng, hội cũng chẳng biết làm sao hơn! Đặc biệt có hơn 10 trường hợp bệnh nhân nặng, bệnh viện này không đồng ý nhận phẫu thuật, hội cố gắng gõ cửa, đeo bám bệnh viện khác... Kết qủa là tất cả đều được phẫu thuật thành công" - ông Lê Huỳnh tâm sự. |