Site banner

Thắp lên ngọn lửa tình người

Tác giả: 
Phan Lữ Hoàng Hà

Lúc mới thành lập (năm 2003), Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật Bến Tre (Hội) chỉ có vài nhân sự hoạt động. Ông Lê Huỳnh, Chủ tịch Hội, tuy hồi chiến tranh bị thương ở cột sống, vết thương thường hành đau nhức những khi trái nắng trở trời nhưng đôi chân của ông rất năng động. Ông đã lặn lội gần như khắp vùng nông thôn Bến Tre tìm hiểu thực trạng bệnh nhân. Khi đó, ông bàng hoàng khi biết Bến Tre đang có hàng trăm trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh cần phẫu thuật kịp thời. Ông thường đến thăm các cháu bệnh nhân nghèo đang nằm bệnh viện. Ông xúc động khi biết các cháu không đủ hoặc không có tiền để trị liệu đến nơi đến chốn…

Mang những thổn thức trên, ông nghĩ, việc trước nhất là phải thành lập cho được phòng khám bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo hầu giúp các cháu. Qua vận động các nhà hảo tâm chung sức xây dựng, phòng khám bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo tọa lạc tại số 39/2 đường Đoàn Hoàng Minh, Phường 5, thành phố Bến Tre được hình thành sau đó, trong đó có sự góp sức, tiền của rất lớn của tiến sĩ Huỳnh Ngọc Triển - một người con của quê hương Bình Đại. Đây cũng là nơi làm việc của Hội. Khi thành lập phòng khám, có 30 y, bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu đăng ký làm việc thiện nguyện. Các bệnh nhân nghèo sau khi được khám xong, những trường hợp nặng, Hội sẽ giới thiệu đến Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu trị liệu, phần lớn chi phí do Hội lo, dù lúc đó quỹ của Hội còn hạn hẹp…

Từ hoạt động của phòng khám bệnh miễn phí cho trẻ em, Hội đã mở rộng việc khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở nông thôn. Hội đã đón và hướng dẫn hàng trăm đoàn y, bác sĩ từ khắp nơi, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh về Bến Tre khám bệnh cho bệnh nhân. Đưa các bác sĩ có uy tín, thiện nguyện đến các huyện vùng sâu nói chuyện về các chuyên đề sức khỏe, nha khoa, sản khoa, nội khoa… từ đó Hội đã phát hiện và lập hồ sơ cho rất nhiều bệnh nhân bị bệnh tim, bệnh sản, những trường hợp cấp bách (giúp ngặt) phải cứu giúp… Trong khám bệnh cho bệnh nhân tại nông thôn, ông Lê Huỳnh luôn căn dặn: “Không chạy theo số nhiều để đưa lên báo, đài mà phải chăm chú cho từng trường hợp của bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân cần cứu giúp”.

Nhưng mặt hạn chế của phòng khám bệnh miễn phí cho trẻ em là phần nhân sự. Mỗi tuần, các vị bác sĩ chỉ dành thời gian nhất định nhưng khi trực tại phòng khám, đón bệnh nhân lại không đúng chuyên khoa. Mặt khác, qua thời gian, người lớn đến phòng khám này mỗi lúc thêm đông vì vậy, búc xúc của Hội là phải thành lập phòng khám bệnh đa khoa.

… Đến phòng khám bệnh đa khoa cho cả người lớn

Phòng Khám Đa khoa của Hội bắt đầu hoạt động vào giữa tháng 11/2013 (39/2, Đoàn Hoàng Minh, Phường 5, thành phố Bến Tre). Phòng khám có diện tích 360m2, gồm một trệt, ba tầng: tầng trệt là nơi tiếp đón bệnh nhân, phòng X quang, phòng khám nội khoa, phòng khám nhi khoa; tầng 1: phòng xét nghiệm, siêu âm, điện tim; tầng 2: phòng khám răng hàm mặt, khám mắt, khám phụ khoa và tầng 3 là hội trường với tổng đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị trên 5 tỷ đồng. Các bác sĩ làm việc tại đây thiện nguyện, ngày 2 buổi từ thứ Hai đến thứ Sáu đều có bác sĩ trực. Nơi đây ưu tiên cho bệnh nhân nghèo với phương châm hoạt động “thu nhận của người khá, giúp đỡ người nghèo”.

Bác sĩ Trần Văn Quang, Trưởng Phòng khám Đa khoa của Hội cho biết trong năm 2014 phải bù chi khoảng 88 triệu đồng. Nhưng cái được lớn là tính nhân bản qua các chương trình trợ giúp đặc biệt khác. Với phương tiện trang thiết bị khá hiện đại, Phòng khám đã tổ chức mời 6 đoàn y, bác sĩ về tái khám, khám lọc bệnh tim, khuyết tật, bệnh mắt cho trẻ em với 483 lượt người, đã phát hiện chỉ định 49 ca phẫu thuật tim, 12 ca phẫu thuật khuyết tật hệ vận động, 14 em phẫu thuật mắt, cấp trên 100 kính cận cho học sinh nghèo ở vùng nông thôn tạo điều kiện cho các bệnh nhân nghèo đỡ tốn kém về tiền bạc, thời gian phải đến tuyến trên.

 

 

Đoàn bác sĩ, sinh viên thiện nguyện Trường Đại học Mercer lắp chân giả cho bệnh nhân Bến Tre- Ảnh PLHH

 

Vào cuối tháng 5/2014, đoàn giáo sư, bác sĩ, sinh viên thiện nguyện của Trường Đại học Mercer (Hoa Kỳ) phối hợp với Phòng Khám Đa khoa khám bệnh xương khớp và lắp chân giả miễn phí cho những người tàn tật. Qua 10 ngày làm việc, đoàn bác sĩ Trường Đại học Mercer đã khám vào cấp thuốc miễn phí cho 1.000 người bệnh xương khớp, lắp chân giả cho 208 người tổng chi phí 1,6 tỷ đồng. Bác sĩ Trần Văn Quang nói hoạt động này mang lại hiệu quả rất tốt, được dư luận đánh giá cao và bà con có nguyện vọng mong muốn đoàn bác sĩ Trường Đại học Mercer tiếp tục trở lại Bến Tre trong thời gian tới. Ngoài ra, Phòng Khám đa khoa của Hội tích cực cử cán bộ, y, bác sĩ của phòng khám tham gia với các đoàn bác sĩ thiện nguyện tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ về khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho bà con nghèo vùng sâu, vùng xa. Ông Lê Huỳnh nói: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.

 

Các tin cùng chuyên mục