Site banner

QUÊ DỪA SAU CUỘC CHIẾN

Tác giả: 
ĐVT

​Vùng đất Bến Tre từ thế kỷ XIX đã được biết đến là vùng đất “Địa linh nhân kiệt” bởi tuy là vùng đất cù lao, cách biệt với đất liền, bốn bề sông nước, lại được khai phá tương đối muộn so với một số nơi khác nhưng từ sớm đã có những bậc tài danh làm rạng rỡ vùng đất, con người nơi đây như Tiến sĩ khai khoa đất Nam kỳ Phan Thanh Giản, nhà bác học lừng danh Trương Vĩnh Ký, nhà giáo, thầy thuốc, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu mà năm 2022 vừa qua được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát,… Không những vậy, vùng đất này còn là quê hương của những vị tướng lĩnh có tên tuổi được cả nước và thế giới biết đến như Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, Trung tướng Đồng Văn Cống, Nữ tướng Nguyễn Thị Định,… Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bến Tre được biết đến là quê hương Đồng Khởi với phong trào Đồng khởi năm 1960 đã giáng một đòn mạnh mẽ vào bộ máy ngụy quyền Sài Gòn bởi sức mạnh tổng lực, đoàn kết của toàn dân bằng phương châm “hai chân, ba mũi” độc đáo. Từ Bến Tre, phong trào này lan rộng toàn cõi Nam Bộ và trở thành một cao trào, góp phần đưa cách mạng miền Nam từ thế gìn giữ lực lượng lên thế chủ động, tiến công, giành hết thắng lợi này tới thắng lợi khác với đỉnh cao là chiến thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước ra khỏi cuộc chiến với hành trang kiêu hãnh của người chiến thắng, của truyền thống văn hóa, nhân văn và tinh thần Đồng khởi hào hùng, quật khởi của quê hương, toàn thể hơn 943.000 người Bến Tre bao gồm cán bộ, đảng viên và nhân dân với khí thế hừng hực, nêu cao quyết tâm hàn gắn vết thương chiến tranh, cùng cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nhưng niềm vui chưa trọn, thì nhân dân và chính quyền cách mạng non trẻ lúc bấy giờ phải đối mặt với một thực tế gần như trái ngược. Những đau thương, mất mát mà Bến Tre chịu đựng không có con số nào có thể đong đếm hết được. Bệnh tật và nghèo đói luôn là nỗi bức xúc, da diết trong lòng của mọi người, nhất là những người bước ra từ cuộc chiến. Những năm đầu Đồng khởi (1960), dân số Bến Tre khoảng 600.000 người. Thế nhưng, qua hai cuộc chiến, Bến Tre có 35.157 liệt sĩ, 15.154 thương binh, 1.391 bệnh binh [1]​, hàng chục ngàn người bị tù đày, tra tấn dã man trong các trại lao tù của giặc, hàng ngàn bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện nay là 6.931 Bà mẹ, đứng thứ hai cả nước sau Quảng Nam), trên 40.000 người có công với cách mạng. Hàng trăm ngàn quần chúng bị thiệt mạng, thương tích và phơi nhiễm chất độc màu da cam do địch rải xuống ruộng vườn, ngấm sâu trong lòng đất, để lại di chứng lâu dài về sau.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Bến Tre là chiến trường du kích, là đầu cầu tiếp nhận vũ khí do Trung ương chi viện cho chiến trường Nam Bộ (đường Hồ Chí Minh trên biển) nên phải hứng chịu lượng bom đạn khổng lồ, có cả B52 và chất độc hóa học hủy diệt màu xanh của dừa, ruộng đồng, các loại hoa màu, cây ăn trái… Vườn tược hoang tàn với trên 100.000 ha vườn dừa, cây ăn quả của những thập niên 1940 đã bị đạn bom hủy diệt, tàn phá tiêu điều, sau chiến tranh chỉ còn lại chưa quá 20% (16.000 ha, trong đó dừa chỉ còn khoảng 9.000 ha [2]); những vườn dừa xanh bạt ngàn ở Châu Bình, Châu Hòa, Phong Mỹ, Lương Hòa, Lương Phú, Long Mỹ, Thuận Điền (Giồng Trôm) và các xã ven sông Tiền của Châu Thành bị hủy diệt hoàn toàn. Đất ruộng bị bỏ hoang, bà con nông dân phải chạy ra vùng ven để tránh bom đạn, đời sống sinh hoạt bị xáo trộn.

Các loại bom, đạn do chiến tranh để lại còn xen lẫn trong đất ruộng, vườn cũng gây ra nhiều hậu quả, thương vong cho người dân và chiến sĩ khi tham gia khai hoang, phục hóa để canh tác, sản xuất. Có nơi sau khi rà soát tháo gỡ bom mìn 1.000m2 đất thu được 1 tấn đạn pháo, mìn,... các loại. Đặc biệt, mảnh vườn rộng 4.700 m2 của ông Mười Khanh, nguyên Huyện đội trưởng huyện Châu Thành ở ấp Chánh, xã Tiên Thủy, thu trên 5 tấn bom đạn các loại [3]

Nền kinh tế Bến Tre sau giải phóng đứng bên bờ kiệt quệ. Diện tích đất nông nghiệp vào năm 1975 bình quân 1.350m2/người; trong đó, bình quân đất trồng lúa 789m2/người. Với diện tích đất sản xuất lương thực ít ỏi như vậy, muốn đảm bảo đủ ăn và tiến đến có dự trữ là điều không dễ dàng. Hơn nữa, toàn tỉnh có hơn 30.000 ha đất ruộng bị hoang hóa, hầu hết đê điều ngăn mặn bị sụp lở, toàn bộ đất ruộng bị nhiễm mặn nhiều năm trong chiến tranh, ...

Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu giải phóng - năm 1975 và năm 1976, Tỉnh ủy đã xác định vấn đề lương thực đủ nuôi sống gần 1 triệu dân và có dư để làm nghĩa vụ đối với cả nước là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, hàng đầu, và đã tập trung mọi nỗ lực để khôi phục và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, đến năm 1977, kéo dài tới năm 1978, Bến Tre phải đối mặt với một thử thách lớn khác, đó là nạn hạn hán, lũ lụt chưa từng có trong vòng 30 năm, nghiêm trọng hơn là dịch rầy nâu hoành hành, phá hại lúa trên phạm vi toàn tỉnh. Liên tiếp 3 vụ lúa thất mùa, sản lượng lương thực sụt giảm, nhiều hộ dân lâm vào cảnh thiếu đói. Dù đã nhận được sự chi viện của Trung ương, nhưng thời điểm này có hơn 10.000 người phải bỏ xứ tha phương, lên Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Long An… làm đủ mọi thứ nghề để kiếm sống. Lúc ấy, người ngoài tỉnh thường gọi họ bằng cái tên đầy mặc cảm là “Dân rầy nâu”! Từng đoàn người dân li hương làm thuê để kiếm thóc lúa mang về cho con cái được ăn, học. Có những mảnh đời bất hạnh bị chết dọc đường, bó xác chết trên ghe lúa mang về. Sự việc này để lại ấn tượng mạnh với nhiều người dân miền Tây vì trước đó Bến Tre từng là vựa lúa của đồng bằng sông Cửu Long.

Mùa màng thất bát, nhân dân thiếu lương thực phải ăn cơm độn khoai, chuối, cao lương, nhất là từ năm 1977 - 1978. Lương thực đã thiếu, thực phẩm cũng vô cùng khan hiếm. Mỗi hộ gia đình hàng tháng được mua vài lạng thịt heo theo chế độ tem, phiếu. Càng khó khăn hơn, trên ruộng bị sâu rầy, dưới sông, ao, hồ các loại cá bị bệnh ghẻ lỡ chết nổi trắng mặt nước. Sự thiếu thốn, đói kém của nhân dân đã trở thành một thử thách khắc nghiệt nhất trong giai đoạn cách mạng mới. Trước tình hình đó, Đảng bộ tỉnh và hệ thống chính trị đau đáu ngày đêm, tìm tòi giải pháp đem lại cuộc sống no đủ cho nhân dân, quyết vượt qua vô vàn thách thức.

Không chỉ nông nghiệp kiệt quệ, kết cấu hạ tầng gồm kho tàng bến bãi, cầu đường sau 30/4/1975 cũng rất tạm bợ; 200 km đường và 49 cầu trên các tuyến giao thông nội tỉnh đang xuống cấp hoặc hư hỏng. Nhiều con lộ bị lồi lõm, sụp lở, thậm chí đứt mạch giao thông đi lại. Những con lộ chính như Lộ liên tỉnh 60 (nay là Quốc lộ 60), lộ liên huyện 30 thị xã Bến Tre - Mỏ Cày - Thạnh Phú (nay là tuyến đường nối dài từ đường Võ Nguyễn Giáp với đường Quốc lộ 57), lộ 26 thị xã Bến Tre - Giồng Trôm - Ba Tri (nay là tuyến đường nối dài từ đường Nguyễn Đình Chiểu đến tỉnh lộ 885 đến quốc lộ 57C, điểm cuối tại xã An Thủy, huyện Ba Tri), lộ 17 Bến Tre - An Hóa - Bình Đại (nay là quốc lộ 57B) đều chung tình trạng yếu kém, rất khó khăn trong việc đi lại. Không có kho tàng, bến bãi nào có thể sử dụng được.

Về công nghiệp, toàn tỉnh chỉ có một nhà đèn được xây dựng từ thời Pháp dùng thắp sáng trong nội ô thị xã với công suất 1.500 KW, một xí nghiệp cấp nước 1.600 m3 /ngày, 6 cơ sở xay xát lúa gạo, 4 cơ sở chế biến nước mắm, 02 cơ sở ép dầu dừa thô, 03 xí nghiệp nước đá, 01 lò gạch còn hoạt động. Tổng cộng 18 cơ sở sản xuất với số công nhân ít ỏi chưa tới 300 người. Tiểu thủ công nghiệp có hơn 100 cơ sở chủ yếu chế biến đường thô, làm tương, chao và lò rèn.

Một khó khăn khác cũng nổi lên nhiều nhức nhối là trong hơn 40.000 binh lính và viên chức chế độ cũ rã ngũ tại chỗ [4]  kéo theo hơn 100.000 người thuộc gia đình họ trở thành những người vô công rỗi nghề. Thành phần này cùng với 80.000 người tản cư sống tạm bợ khu vực các chợ buôn thúng bán bưng hình thành đội quân thất nghiệp lên tới 20 vạn người không nhà cửa, việc làm, chiếm tới ½ số người ở độ tuổi lao động, nảy sinh nhiều nguy cơ gây rối an ninh, trật tự xã hội.

Một trong những lĩnh vực quan trọng của xã hội là y tế thì điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn. Tỉnh chỉ có 01 bệnh viện ở tỉnh và 79 trạm xá, cơ sở điều trị bệnh hầu như trong tình trạng thiếu thuốc men, dụng cụ, thiết bị điều trị bệnh… Số người mắc bệnh tăng cao, nhất là những bệnh do hậu quả của chất độc hóa học và do nghèo đói khiến tình trạng suy dinh dưỡng trở nên phổ biến. Địa bàn tỉnh có tới ¾ dân số đối mặt với nguy cơ bệnh tật này nhưng chỉ có 300 giường bệnh ở các cơ sở trị bệnh tại thị xã, thị trấn.

Về giáo dục, toàn tỉnh có 134 khung trường học phần lớn đã rệu rã, xiêu vẹo; gần 50.000 người dân bị mù chữ. Tỉnh phải chọn những thanh niên có trình độ học vấn khá tham gia các lớp bồi dưỡng giáo viên ngắn hạn và trưng dụng đội ngũ giáo viên của chế độ cũ để mở các lớp học bình dân học vụ, giải quyết nạn dốt trong nhân dân.

Tuy nhiên, đất nước yên ổn chưa được bao lâu, ngày 30 tháng 4 năm 1977 chính quyền phản động Campuchia đã đem quân đánh vào vùng biên giới Tây Nam nước ta. Chúng đốt nhà, giết người, cướp phá dã man. Tháng 5 năm 1977, Bến Tre chấp hành chỉ đạo của trên, đưa đại đội pháo binh tỉnh tổ chức thành một đại đội tiến đến Mộc Hóa (Long An) phối hợp Sư đoàn 8 bộ binh, Quân khu 9 và các lực lượng địa phương đánh địch xâm nhập lãnh thổ, sau đó tiến sang biên giới truy quét tàn quân Pôn Pốt - Iêng Xa-ri và mất ròng rã 10 năm giúp bạn Campuchia xây dựng, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân tại tỉnh Kandal [5]. Ngoài ra, đầu năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Thực hiện Lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước, đầu năm 1979, Bến Tre đưa 6.500 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và thanh niên ưu tú biên chế thành 01 tiểu đoàn tiến lên các tỉnh địa đầu phía Bắc Tổ quốc chuẩn bị tham chiến. Nhưng bộ đội Bến Tre chưa tham gia nổ súng giết giặc thì quân địch đã bị bộ đội ta đánh lui, rút khỏi Việt Nam.

Trước tình hình khó khăn bộn bề kể trên, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I, tháng 11/1976, Bến Tre đã chủ trương ngay từ đầu đẩy mạnh nông nghiệp toàn diện, giữ vững vùng dừa truyền thống, thâm canh đi đôi với mở rộng diện tích, trồng lúa song song với phát triển cây công nghiệp, kết hợp công nghiệp với nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, thương nghiệp để khai thác được tiềm năng và thế mạnh tại chỗ của từng vùng. Đảng bộ tỉnh khẳng định: Với mảnh đất này, muốn đảm bảo lương thực thì phải thâm canh tăng vụ và tăng năng suất. Để thực hiện điều đó, năm 1976, cả tỉnh ra quân “Đồng khởi” làm thủy lợi, đào kinh 9A Giồng Trôm - Ba Tri dài 18km. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh để tăng vụ trên các cánh đồng Mỹ Chánh, Mỹ Nhơn, Mỹ Thạnh, An Ngãi Trung… Dòng nước ngọt được đưa về đã tưới cho cây lúa Ba Tri thêm xanh, khiến bà con càng tin vào tương lai tốt đẹp hơn. Tiếp theo kinh 9A, hàng loạt con kinh khác với nhiều tuyến đê ngăn mặn như Mỏ Cày - Thạnh Phú, An Hóa… ra đời, giúp cho các vùng lúa tăng vụ, tăng năng suất, giải quyết khó khăn về lương thực. 

Nhờ những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến năm 1983, Bến Tre đã đẩy lùi được nạn đói, giải quyết lương thực đủ ăn và 5 năm liền giao nộp về Trung ương từ 10.000 đến 15.000 tấn thóc và cũng từ năm này được Trung ương công nhận là một trong 31 tỉnh, thành trong cả nước trang trải được lương thực, đủ ăn, có dư để làm nghĩa vụ với Nhà nước. 

Đối với cây dừa, qua ba lần Đại hội (từ 1977 đến 1985), Đảng bộ tỉnh xác định cây dừa là thế mạnh của tỉnh, cần phát triển rừng dừa mới. Mười năm sau ngày giải phóng, Bến Tre đã khôi phục, trồng mới, nâng diện tích dừa lên 40.000 ha, trong đó có 22.000 ha đang cho trái. Mô hình trồng xen, nuôi ong mật trên bờ, nuôi tôm cá dưới mương có hiệu quả rõ rệt, ngày càng được nhân rộng.

Về nuôi trồng, đánh bắt bắt thủy, hải sản, Bến Tre có 65 km bờ biển, tiềm năng nguồn cá, tôm và hải sản vô tận. Trong nội địa, địa phương còn có hàng vạn héc-ta mặt nước sông ngòi, ao hồ chằng chịt. Đảng bộ tỉnh và những nhà sản xuất kinh doanh giỏi đã sớm nhìn thấy và khai thác tốt tiềm năng này, trước mắt là đem lại nguồn thực phẩm dồi dào để phục vụ cuộc sống nhân dân, sau nữa làm hàng hóa chế biến, tạo ra nguồn lợi xây dựng kiến thiết quê hương. 

Có thể nói, 10 năm đầu sau giải phóng, Bến Tre đã tìm ra và xác định được bước đi về sản xuất nông nghiệp toàn diện, hình thành hệ thống dịch vụ kỹ thuật cây trồng vật nuôi, mở ra khả năng chế biến nguyên liệu nông sản thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, khai thác tiềm năng, thế mạnh từ điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của tỉnh.

Về công nghiệp, Đảng bộ Bến Tre sớm xác định với nguồn nông sản phong phú, đa dạng, cần đẩy mạnh công nghiệp hóa chủ yếu là công nghiệp chế biến để tăng giá trị sử dụng và hiệu quả kinh tế. Khắc phục khó khăn trước mắt do không có mạng lưới điện quốc gia, tỉnh đã đưa về 5 cụm máy, nhanh chóng nâng công suất điện gấp 3 lần năm 1975. Những cột điện thẳng hàng trên các tỉnh lộ 26, 17, 30, liên tỉnh lộ 60 dài hàng trăm km gây ngỡ ngàng cho người dân và du khách khi đến Bến Tre. Điện đến đâu, nhà máy, xí nghiệp mọc lên đến đó. Các trạm bơm điện đưa dòng nước ngọt phù sa tưới cho đồng lúa thêm xanh, làm bà con đỡ cực nhọc hơn. Trong 10 năm sau giải phóng, từ chỗ không có gì, tỉnh đã xây dựng 118 xí nghiệp bao gồm điện, cơ khí sửa chữa, công nghiệp chế biến dừa, đường, thủy sản, vật liệu xây dựng với 13.000 công nhân. Tỉnh xây dựng nhiều hệ thống kho tàng, bến bãi. Nhiều sản phẩm từ công nghiệp chế biến như: tôm đông lạnh, các sản phẩm từ dừa, từ đường; các loại bánh kẹo, nước mắm,… được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tổng sản lượng lương thực năm 1985 đạt 430 nghìn tấn, bình quân lương thực trên mỗi nhân khẩu lên đến 380kg/người/năm.

Trong những năm đầu đổi mới, tỉnh Bến Tre đã vận động đưa trên 1.400 hộ với gần 2.600 lao động không có ruộng đất đi sản xuất ở Đồng Tháp Mười, mở ra hướng phân phối lại lao động, dân cư, tạo việc làm cho số lao động thiếu việc làm. Phát huy tinh thần Đồng khởi, người dân Bến Tre đã không ngại khó khăn, biến vùng đất hoang hóa năm nào trở thành vùng đất phủ màu xanh tươi, trù phú. 

Từ năm 1989, đường dây điện từ Tiền Giang về đến Bến Tre và từ thị xã Bến Tre về đến các huyện đã góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Kinh tế phát triển với tốc độ cao hơn so với trước. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên. Chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo được quan tâm nhiều hơn. Chỉ trong vòng 5 năm 1996 - 2000, tỷ lệ hộ nghèo từ 24% (năm 1994) giảm xuống còn 14,06% vào cuối năm 2000. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách miễn giảm học phí cho học sinh, miễn giảm viện phí cho người nghèo… đồng thời còn vận động nhiều tổ chức từ thiện trong và ngoài tỉnh cứu trợ, giúp đỡ những gia đình nghèo hoặc gặp hoạn nạn do thiên tai, tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Dù vậy, tính đến những năm cuối thập niên 1900, đầu thập niên 2000, chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước vẫn chưa thể đáp ứng hết so với thực tế, số lượng người dân tham gia bảo hiểm y tế còn ở mức thấp, chỉ có hộ nghèo mới được cấp bảo hiểm y tế miễn phí… Địa bàn tỉnh vẫn còn hàng ngàn bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể đã mù lòa hoặc có nguy cơ mù lòa, hàng trăm trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, hàng trăm trẻ em khuyết tật nghèo cần được trợ giúp để được đến trường,… Chính từ thực tế này, đòi hỏi sự chung tay của các tổ chức xã hội từ thiện trong và ngoài tỉnh để cùng với Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương chăm lo tốt hơn cho người nghèo, kể cả gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh. Và đã có nhiều tổ chức xã hội từ thiện, chính trị - xã hội ra đời trong giai đoạn này như Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre (thành lập theo Quyết định số 282/QĐ-UB, ngày 27/3/1990 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre), Trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật Bến Tre (thành lập năm 1991), Hội người mù tỉnh Bến Tre (thành lập tháng 12/1995), Làng trẻ SOS Bến Tre (thành lập ngày 21/02/1999), Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Bến Tre (thành lập ngày 26/6/2001 theo Quyết định số 2943/QĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh), Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật tỉnh Bến Tre (thành lập theo Quyết định số 3563/QĐ-UBND, ngày 10/12/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh), Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bến Tre (ngày 17/10/2006 theo Quyết định số 2159/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh),... Ngoài ra, hệ thống Công đoàn các cấp còn phát động nhiều chương trình hoạt động hướng tới cộng đồng theo tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” bằng việc vận động thành lập các quỹ từ thiện như Quỹ trợ vốn, Quỹ vì trẻ thơ, Quỹ vì công nhân, lao động nghèo, quỹ “mái ấm công đoàn”… Tất các các hoạt động của các loại hình tổ chức và hoạt động kể trên đã góp phần thiết thực cùng với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương chăm lo thực hiện chính sách an sinh xã hội, chung tay chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật,… kể cả gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, để không ai bị bỏ lại phía sau, để xây dựng quê hương Bến Tre ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tóm lại, xứ Dừa Bến Tre bước ra sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với tinh thần và khí thế rất cao của người chiến thắng nhưng thực tiễn đời sống đặt ra trước mắt với muôn vàn khó khăn. Dù vậy, bằng quyết tâm chính trị cao của cả Đảng bộ và chính quyền các cấp, cùng sự tin tưởng, đoàn kết của các tầng lớp nhân dân, Bến Tre từng bước vượt qua khó khăn, thử thách ban đầu, tự lực, tự cường phát triển vươn lên. Kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp, đến những năm cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000, dù Bến Tre có sự phát triển vượt bậc trong so sánh dọc (so với trước đây) nhưng so sánh ngang với các tỉnh, thành khác trong cả nước thì sự phát triển vẫn còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; vùng đất 3 dải cù lao vẫn còn là một ốc đảo cách biệt với đất liền, giao thương, vận chuyển còn khó khăn. Mặc dù Đảng bộ, chính quyền địa phương rất quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nhưng vẫn chưa thể bao phủ, rộng khắp, nhiều mảnh đời bất hạnh, bệnh nhân nghèo, người tàn tật,… vẫn chỉ mới được hỗ trợ phần nào, cần được sự tiếp tục đồng hành, giúp sức của cộng đồng xã hội. Xuất phát từ tình hình đó, nhiều tổ chức từ thiện xã hội, chính trị - xã hội ra đời và hoạt động tích cực, trong đó có Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật tỉnh Bến Tre, góp phần giúp Đảng bộ và chính quyền địa phương chăm lo chính sách an sinh xã hội, tiến tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Bến Tre một cách bền vững, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

[1] Theo Lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre (1945 - 2020), tập 1 - 30 năm kháng chiến (1945 - 1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.275.

[2] Năm 1976, bà con nông dân trở về quê cũ, khôi phục lại diện tích trồng dừa. Đến năm 1986, toàn tỉnh có 40.000 hecta dừa. Năm 2017, diện tích tăng lên 72.000 hecta sản lượng trên 610 triệu trái mỗi năm, kéo theo nhiều ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp về dừa phát triển. Qua nhiều thăng trầm, cây dừa vẫn là chủ lực cây trái Bến Tre, diện tích trồng dừa của địa phương lớn nhất cả nước.

[3]  Nguồn: Lịch sử y tế Bến Tre, Sở Y tế Bến Tre tái bản năm 2005, tr.150-151.

[4]  Bộ máy ngụy quân, ngụy quyền tại thời điểm lực lượng cách mạng tiếp quản tỉnh có 36.139 tên, hơn 100 chi khu, phân chi khu quân sự và 800 đồn bót bị sụp đổ (Theo Bến Tre 30 năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và Lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre (1945 – 2020), tập 2 - 45 năm xây dựng, chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc (1975 – 2020), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2022, tr.14).

[5]  Những năm đó, đã có 1.784 liệt sĩ quê Bến Tre nằm xuống trên chiến trường biên giới Việt Nam và Campuchia vô cùng khốc liệt. Nhân dân Việt Nam, trong đó có Bến Tre và nhân dân Campuchia mãi mãi không quên ơn các anh đã hy sinh oanh liệt vì tổ quốc Việt Nam thiêng liêng và vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.

 

 

 

Các tin cùng chuyên mục