Site banner

TỪ PHÒNG KHÁM, ĐIỀU TRỊ BỆNH MIỄN PHÍ CHO TRẺ EM NGHÈO ĐẾN SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI BẢO TRỢ BỆNH NHÂN NGHÈO TỈNH BẾN TRE.

Tác giả: 
Trần Ngọc Hải

Những viên gạch đầu tiên trên con đường thiện nguyện

Năm 1988, ông Huỳnh Văn Cam (Lê Huỳnh), lúc đó là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, phụ trách khối văn hóa – xã hội; BS Tạ Thị Chung (thường gọi là Cô hai Chung), khi ấy là Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (sau này là Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới). Cô hai Chung là người giới thiệu bà Akemi Bando và Đoàn Nhật Bản về thăm tỉnh Bến Tre lần đầu tiên. Ông Lê Huỳnh cùng Cô hai hướng dẫn Đoàn khách Nhật Bản đi thăm các nạn nhân chất độc da cam của tỉnh Bến Tre. Nhân dịp này, Ông đã đưa bà Akemi Bando và Đoàn đến thăm cơ sở nuôi dạy trẻ em khuyết tật của tỉnh, lúc đó phòng ốc còn rất đơn sơ, xuống cấp rất nhiều.

Từ cuộc hội ngộ đầu tiên này với bà Akemi Bando (giáo viên dạy trẻ em khuyết tật ở Nhật Bản, thành viên Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam của Nhật Bản - viết tắt là Hội TGTEVN-NB), ông đã chiếm trọn cảm tình của những người bạn Nhật. Qua trao đổi với Đoàn, Ông mong muốn có được đầy đủ cơm áo và một ngôi trường đàng hoàng hơn để nuôi dạy khoảng 420 cháu khuyết tật của tỉnh nhà. Ghi nhận mong ước đó của Ông Lê Huỳnh, bà Bando về nước vận động ủng hộ được 9.000 USD, những tưởng chỉ để giúp đỡ, nuôi dưỡng các cháu hiện có tại cơ sở Đoàn đã đến thăm. Nào ngờ, năm 1990, khi bà Bando và các thành viên Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam của Nhật Bản trở lại Bến Tre, ông Lê Huỳnh đã đưa Đoàn đến thăm cơ sở nuôi dạy trẻ em khuyết tật vừa mới xây dựng thật khang trang với 4 phòng học, từ nguồn tài trợ 9.000 USD đó. Bà Bando và Đoàn vô cùng xúc động, không cầm được nước mắt. Đoàn rất ấn tượng về ông Lê Huỳnh, một người lãnh đạo thật sự vì nước, vì dân, vì những trẻ em khuyết tật của một tỉnh nghèo, hậu quả chiến tranh rất nặng nề. 

Từ ấn tượng, đến đồng cảm, tin tưởng, gắn kết, bà Bando và Hội TGTEVN-NB đã tiếp tục vận động, quyên góp từng Yên Nhật để giúp Bến Tre xây dựng hoàn chỉnh một ngôi trường nuôi dạy trên 200 trẻ em khuyết tật thật khang trang, đàng hoàng, to đẹp. Đồng thời, Bà đã hỗ trợ tỉnh triển khai Dự án phát hiện sớm dị tật ở thai nhi; lập sổ theo dõi sức khỏe phụ nữ trong độ tuổi sinh sản... 

Bà Bando, cùng ông Lê Huỳnh, ông Trần Công Ngữ trong cuộc họp thỏa thuận tài trợ xây dựng hoàn chỉnh Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre.

Cũng từ bà Bando, Bến Tre đã nhận được sự trợ giúp to lớn của Hội Hở môi - Hàm ếch Nhật Bản, do Tiến sĩ (TS) Y khoa Nagato Natsume làm Chủ tịch Hội. Năm nào BS Natsume cũng tổ chức đoàn về Bến Tre khám, phẫu thuật hở môi hàm ếch cho các cháu. Nhiều năm sau đó, TS Natsume và các GS, TS, BS, điều dưỡng, kỹ thuật viên Nhật Bản đã đem lại nụ cười cho hàng ngàn trẻ em bị dị tật hở môi, hàm ếnh của tỉnh nhà. TS Natsume còn hỗ trợ đưa một số bác sĩ răng hàm mặt của tỉnh Bến Tre sang Nhật Bản tu nghiệp.

Lúc đầu Đoàn phải tiến hành phẫu thuật cho các cháu trong những phòng mổ của bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu đã cũ kỹ, xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn chuyên môn theo quy định. Ông Lê Huỳnh trao đổi với BS Natsume là tỉnh cần có một phòng mổ mới hiện đại, rộng rãi, đủ sức tiếp nhận bệnh nhân, phẫu thuật hở môi, hàm ếch cho các cháu và xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu ngoại khoa tại chỗ, để không phải chuyển lên tuyến trên, mất rất nhiều thời gian vàng, tỉ lệ tử vong rất cao. Chi phí xây dựng ước tính khoảng 150.000 USD. TS Natsume đã đồng ý ủng hộ 75.000 USD và theo yêu cầu của phía bạn tỉnh phải đối ứng 1/2 (tức 75.000 USD) để xây dựng. 

Nhắc đến việc này, Bến Tre không thể nào quên công lao của TS Huỳnh Ngọc Triển, người con của quê hương Bình Đại, tu nghiệp lấy bằng tiến sĩ về xây dựng ở Nhật Bản. Vào thời điểm đó, kinh phí của tỉnh rất khó khăn, nguồn vốn đối ứng 75.000 USD là rất lớn, không thể đáp ứng ngay được. Trong cuộc họp giữa lãnh đạo tỉnh và TS Natsume, có ông Huỳnh Ngọc Triển tham dự, để bàn kế hoạch triển khai việc tổ chức phẫu thuật cho trẻ em Bến Tre bị hở môi hàm ếch và hỗ trợ xây dựng phòng mổ mới. Cuộc họp kéo dài đến gần giữa khuya, tưởng chừng như bế tắt, vì nguồn vốn đối ứng của tỉnh không có, Ông Triển đã ra tay, ông nhận đóng góp phần đối ứng này. Như thế là thỏa thuận họp tác xây dựng phòng mổ cho bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu thành công. Rồi sau đó, chính ông Triển đã đem quân của Công ty mình (Công ty Xây dựng Việt Long, TPHCM) xuống trực tiếp xây dựng, với công nghệ, thiết bị hiện đại, hoàn thành một công trình lớn, chỉ trong một thời gian ngắn, để kịp bàn giao cho bệnh viện, đón Đoàn Hội Hở môi hàm ếch Nhật Bản về mổ những ca đầu tiên của năm đó ở các phòng mổ thắm đượm ân tình ấy.

Đó là những viên gạch khởi đầu con đường thiện nguyện vì người nghèo, bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi của ông Lê Huỳnh, cùng nhiều người khác xung quanh Ông sau này, trong một mái nhà chung, mái nhà của những người nghèo. Ngay sau khi nghỉ hưu, ông Lê Huỳnh đã bắt tay ngay vào việc hình thành Phòng khám, điều trị bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo (15/01/2003), sau đó là sự ra đời của “Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật tỉnh Bến Tre” (10/12/2003). Năm 2011, Hội mở rộng thêm đối tượng phục vụ và được đổi tên thành “Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bến Tre”. Đến Đại hội lần thứ tư (2021) chính thức đổi tên thành “Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre” cho đến nay, với bề dày 20 năm hoạt động vô cùng hiệu quả.

Từ Phòng Khám, điều trị bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo…

Trong thời gian đầu những năm 2000, Chương trình BHYT cho người dân chưa phát triển mạnh, tỉ lệ người nghèo, trẻ em nghèo mắc bệnh cần phải điều trị rất cao. Nhưng khi đến bệnh viện khám thì thật vất vả, chật vật, nhiêu khê. Có nhiều gia đình đành bó tay, ôm con cầu trời cho qua cơn khốn khó. Ông Lê Huỳnh đã chọn điểm xuất phát sau nghỉ hưu là thành lập ngay Phòng Khám, điều trị bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo (gọi tắt là Phòng Khám). Nhưng muôn vàn khó khăn cần phải giải quyết như địa điểm, cơ sở vật chất, phương tiện trang thiết bị chuyên môn, kinh phí xây dựng, ngân sách hoạt động, nhân sự quản lý, đội ngũ y, bác sĩ khám điều trị,… Có lúc tưởng chừng như bế tắt. Đồng cảm với ý nguyện của Ông, lãnh đạo Sở Y tế lúc đó đã rất nhiệt tình hỗ trợ, dành cho Ông cơ sở Giám định Y khoa cũ để làm Phòng Khám. Nhưng tiền đâu để sửa chữa, hoặc xây mới? Một lần nữa người con của quê hương Bình Đại, TS Huỳnh Ngọc Triển, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Việt Long (TP. Hồ Chí Minh) đã xuất hiện kịp thời, đúng lúc. Ông Triển đã nhận xây dựng mới cơ sở này cho phù hợp với một phòng khám bệnh đa khoa để tặng cho tỉnh. Ông đã nhanh chóng hình thành bản vẽ công trình; giai đoạn đầu gồm 1 trệt, 1 lầu và tư vấn, hỗ trợ đầu tư xây dựng tầng dưới, làm cơ sở cho tỉnh tìm nhà tài trợ vận động xây dựng tiếp tầng trên. 

Song song đó, ngày 21/11/2002, ông Lê Huỳnh lúc đó với vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Bến Tre, đã gởi tờ trình xin thành lập Phòng Khám và đề nghị công nhận Ban Bảo trợ Phòng Khám. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-UB, ngày 15/01/2003, do Phó Chủ tịch Cao Tấn Khổng ký, công nhận Ban Bảo trợ Phòng Khám – Điều trị bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo tỉnh Bến Tre. Ông Huỳnh Văn Cam (Lê Huỳnh) giữ nhiệm vụ Trưởng ban. Các phó trưởng ban là bà Nguyễn Thanh Yến, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em; ông Hồ Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế; các Ủy viên Thường trực gồm: ông Trương Hữu Nhân, BS PGĐ BVNĐC; ông Lê Khanh, BS Trưởng phòng Giám định y khoa thuộc Sở Y tế; ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em.

Với sự đồng cảm sâu sắc tấm lòng thiện nguyện của ông Lê Huỳnh, ông Huỳnh Ngọc Triển đã khẩn trương xây dựng tầng trệt của Phòng Khám chỉ trong một thời gian ngắn, chi phí trên 400 triệu đồng. Thấy Phòng Khám đang xây dựng dở dang, ông Lý Văn Minh (Tư Dũng), Giám đốc Công ty Xổ số kiến thiết (XSKT) Bến Tre nhận đóng góp để tiếp tục xây dựng cho hoàn chỉnh. Ông Lê Huỳnh làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh cho phép tiếp nhận nguồn vốn từ Công ty XSKT và được chấp thuận, lầu 1 phòng khám tiếp tục được hoàn thành, với chi phí xây dựng hơn 200 triệu đồng. Khi Phòng khám hoàn chỉnh, cũng là lúc đã có 30 bác sĩ ở các khoa, phòng của Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu và một số cán bộ y tế hưu trí đăng ký thay phiên nhau đến khám miễn phí cho bệnh nhi. Nhiều nhà hảo tâm tài trợ tiền, bàn ghế, Công ty Dược Bến Tre giúp hỗ trợ thuốc men điều trị. 

Lễ khánh thành Phòng Khám, Điều trị bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo.

Ngày 02/9/2003, ngày Khánh thành Phòng khám, là một ngày vui không thể tả. Đây không chỉ là niềm vui to lớn của những người thiện nguyện, của lãnh đạo tỉnh nhà, của bà con nghèo khắp nơi trong tỉnh; mà còn là niềm vui của những người góp công, góp sức, góp tài vật lực cho sự ra đời của Phòng Khám. Đó là những tổ chức, cá nhân tài trợ ở khắp nơi, đặc biệt là ở TPHCM, trong đó có sự đóng góp rất lớn của các ông: Nguyễn Vĩnh Nghiệp (hay còn gọi là ông Sáu Tường, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM), ông Huỳnh Ngọc Triển, GĐ Cty Xây dựng Việt Long và nhiều ông bà, nhiều cơ quan, đơn vị trong, ngoài ngành y tế của tỉnh và của TPHCM. Một ngày đáng ghi nhớ, một mốc son khởi đầu cho lịch sử 20 hoạt động thiện nguyện của Hội sau này. Công ty XSKT Bến Tre nói chung, ông Tư Dũng và những người lãnh đạo Công ty sau này nói riêng, đã cùng đồng hành với Phòng Khám, với Hội trong suốt chặng đường 20 năm hoạt động. Phòng Khám, điều trị bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo tỉnh Bến Tre chính thức đi vào hoạt động trong thời điểm chưa có bảo hiểm y tế cho người nghèo, cho trẻ em dưới 6 tuổi nên đã đáp ứng kịp thời yêu cầu bức xúc, phục vụ hiệu quả cho các đối tượng này trong thời kỳ đó. 

Sau buổi lễ khánh thành, ông Sáu Tường, đã gợi ý tỉnh Bến Tre nên thành lập Hội Bảo trợ cho bệnh nhân nghèo. Từ ý kiến hết sức thiết thực, từ kinh nghiệm hoạt động Hội phong phú, hiệu quả của ông Sáu (Hội BTBNN TPHCM được thành lập ngày 15/12/1993 do Ông Sáu Tường và một số cán bộ về hưu khác là những người sáng lập), ông Lê Huỳnh bắt tay ngay vào soạn thảo văn bản, điều lệ trình UBND tỉnh xin thành lập Hội. 


Ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp (Sáu Tường), nguyên Chủ tịch UBND TPHCM, nguyên Chủ tịch HBTBNN TPHCM, nguyên Chủ tịch Danh dự Hội BTBNN tỉnh Bến Tre lúc mới thành lập.

Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật tỉnh Bến Tre ra đời

Ngày 10 tháng 12 năm 2003, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 3563/2003/QĐ-UB về việc cho phép thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật tỉnh Bến Tre, do Chủ tịch Cao Tấn Khổng ký. Đồng thời cùng ngày, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3564/QĐ-UB về việc công nhận Ban Chấp hành (BCH) lâm thời của Hội.

Chỉ trong 2 năm hoạt động, BCH lâm thời đã thực hiện được một khối lượng công việc to lớn, đem đến những kết quả không thể ngờ, thật đáng khâm phục: Thành lập được 7 chi hội với trên 400 hội viên; Vận động gây Quỹ hội; thực hiện phẫu thuật đem lại ánh sáng cho 3.000 người mù nghèo; Hỗ trợ phẫu thuật cho 50 trẻ em bệnh tim bẩm sinh (mỗi ca chi từ 35-50 triệu đồng); Khám, cấp thuốc miễn phí cho 30.000 lượt người nghèo ở vùng kinh tế mới Đắc Lắc; Trao 150 xe lăn cho người tàn tật; Trao 65 học bổng cho học sinh sinh viên mồ côi, khuyết tật; Hàng ngày, các chi hội ở các huyện, thị xã cấp hàng ngàn suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện trong tỉnh…

Và rồi, vào một ngày cuối năm 2005 (31/12/2005), Hội tiến hành Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2006 – 2010, bầu BCH gồm 51 thành viên. Ban  Thường vụ có 9 người do ông Huỳnh Văn Cam làm Chủ tịch. Ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp (Sáu Tường) được bầu làm Chủ tịch Danh dự của Hội.


BCH Hội BTBNN – NTT tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ I (2006 – 2010). 
Ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp (người ôm bó hoa).

 

Về hiệu quả hoạt động các chương trình thiện nguyện của Hội những năm đầu sau thành lập, lãnh đạo tỉnh đã đánh giá rất cao. Trong Đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động y tế giai đoạn 2006 - 2010; được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp tháng 10/2006, đã ban hành Nghị quyết số 87/2006/NQ-HĐND, ngày 13/10/2006, trong đó xác định: Ngành Y tế tiếp tục phối hợp với Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo và các tổ chức từ thiện nhằm nhân rộng một số mô hình xã hội hóa mang tính từ thiện như: xóa mù, mổ tim, hòa nhập xã hội cho người khuyết tật, hiến máu nhân đạo, vá hở môi hàm ếch, bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam; khuyến khích việc tổ chức các phòng khám - chữa bệnh miễn phí và các hoạt động từ thiện trên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Hội

Năm 2011, là năm đánh dấu sự phát triển mới của Hội về chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả hoạt động, thông qua việc đổi tên Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật thành Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi của tỉnh, theo Quyết định số 411/QĐ-UBND ngày 28/2/2011 của UBND tỉnh Bến Tre. Hội xác định: “Với nhiệm vụ mới, năm 2011, Hội càng thêm quyết tâm, tập trung thực hiện 7 chương trình trọng tâm”.

Hội được công nhận là hội đặc thù, nhưng tự nguyện không nhận kinh phí hỗ trợ hoạt động từ ngân sách nhà nước.


Ban chấp hành Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi 
tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ II (2011 - 2015)

Hội mang tên mới, nhưng tôn chỉ, mục đích hoạt động không thay đổi

Ngày 07/4/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành Quyết định số 757/QĐ-UBND, về việc cho phép đổi tên Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bến Tre thành Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre và phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) của Hội. Điều lệ gồm 8 Chương và 26 Điều đã được Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ IV (2021 – 2025) thông qua ngày 20 tháng 3 năm 2021.


BCH Hội BTBNN tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ IV (2021 – 2025)

Về tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội vẫn không thay đổi. Trong Điều lệ Hội nhiệm kỳ IV (2021 – 2025) xác định: Hội bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre là tổ chức xã hội từ thiện, bao gồm các thành viên thiện nguyện, với tấm lòng nhân ái, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nam nữ, địa vị xã hội tự nguyện đóng góp công sức, trí tuệ, tiền của và vận động mọi nguồn lực của xã hội, các nhà hảo tâm trong, ngoài nước để giúp đỡ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi và những trường hợp ngặt nghèo khác có điều kiện vượt qua khó khăn, bệnh tật, ổn định đời sống, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Sự trưởng thành, lớn mạnh vượt bậc

Qua 4 kỳ Đại hội, đến tháng 6/2023, toàn hệ thống Hội BTBNN tỉnh Bến Tre có 9 Hội thành viên (là huyện, thành hội, gọi tắt là hội cấp huyện), 155 chi hội trực thuộc Hội tỉnh và hội cấp huyện, trong đó có 146 chi hội xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã), đạt 93% cấp xã có chi hội và 9 chi hội tổ chức khác như: Văn phòng Tỉnh hội, các tổ chức tôn giáo, bệnh viện Trần Văn An. Có 7 hội cấp huyện đạt 100% cấp xã có chi hội, còn lại Châu Thành đạt 16/21 và Giồng Trôm đạt 15/21 cấp xã có chi hội, sẽ tiếp tục phấn đấu đạt 100% trong thời gian tới. Toàn hệ thống Hội hiện có 3.353 hội viên (sau khi tổng rà soát, củng cố vào năm 2022).

***

Xin chân thành tri ân những tấm lòng nhân ái, những nghĩa cử cao đẹp, những việc làm thiện nguyện “thi ân bất cầu báo”, thể hiện hành động nhân đạo, tính nhân văn cao cả, truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều” của tất cả mọi người. 

20 năm ân tình sâu nặng, ân nghĩa cao dày, ân đức vô lượng, ân nhân rộng khắp bốn phương trời./.

 

 

Các tin cùng chuyên mục