Cách đây trên 22 năm, xuất phát từ nhu cầu nuôi dạy trẻ khuyết tật, các đồng chí lãnh đạo tỉnh lúc đó, đặc biệt là ông Lê Huỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã mạnh dạn và quyết đoán tìm phương thức xây dựng cơ sở vật chất. Trong lúc nguồn ngân sách có hạn, ông đã vận động các nhà từ thiện có tấm lòng quan tâm trẻ em khuyết tật và được tổ chức Trợ giúp trẻ em Việt Nam Nhật Bản do bác sĩ Takaya làm Chủ tịch, cô giáo AKémi Bando làm Tổng thư ký - người kiên trì vận động, hỗ trợ Bến Tre xuyên suốt cho đến hôm nay. Cô giáo Bando đã mặc chiếc áo dài Việt Nam đến các nơi ở Nhật để vận động đóng góp từ các nhà hảo tâm, giúp cho tỉnh Bến Tre xây dựng ngôi trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật khang trang.
Một mô hình mới được thiết lập. Từ ấy đến nay, qua nhiều thế hệ thầy cô giáo, trường đã đào tạo nhiều gương điển hình, nổi bật như: học sinh khiếm thị Thái Thị Tư, được chương trình "Đem lại ánh sáng cho người mù ng-hèo" mắt cô đã sáng, ngày nay là cô giáo tốt nghiệp hệ Cao đẳng tật học; em Trần Thị Thủy, khuyết tật chân kiềng, được phẫu thuật, điều trị, nay đã tốt nghiệp Đại học tật học, đang là giáo viên của trường; em Đỗ Tấn Khang, đỗ thạc sĩ tại Úc, hiện là giảng viên Trường Đại học Cần Thơ; em sinh viên khiếm thị Đỗ Minh Trí, đang học năm thứ hai Trường Đại học Khoa học, xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh (đạt loại khá giỏi). Theo số liệu chưa đầy đủ của trường, đã có hằng trăm em ra trường, trưởng thành, có nhiều em lập gia đình, lao động, sản xuất, hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Tuy nhiên, cũng còn nhiều em ra trường mà không có việc làm, do không được đào tạo nghề phù hợp dạng tật, cuộc sống rất khó khăn. Ngoài ra, theo số liệu điều tra năm 2012 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh Bến Tre có 23.222 người khuyết tật và 5.715 trẻ mồ côi các dạng. Trong đó, một ít trẻ được vào Làng SOS, Trung tâm Bảo trợ xã hội trẻ em, còn phần đông chưa có cơ hội tiếp cận. Đây không chỉ là nỗi lo của cha mẹ các em mà mỗi chúng ta cũng thấy ray rứt, nhói lòng.
Mặc dù có quan tâm định hướng nghề cho các em nhưng trường không có chức năng dạy nghề. Vì vậy, cần có một tổ chức dạy nghề tại trường là một yêu cầu bức xúc. Đồng thời, việc dạy nghề cho người khuyết tật, trẻ em mồ côi là vấn đề cần được xã hội và các cấp chính quyền, đoàn thể quan tâm.
Vừa qua, tháng 9/2011, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương thành lập Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật và trẻ mồ côi thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bến Tre. Trước đó, qua 5 năm lớp dạy thêu tay cho các em khuyết tật nghe, nói (từ năm 2007 đến nay), Tỉnh hội rút kinh nghiệm thấy có kết quả, sản phẩm được bà Miyamoto đặt hàng và bán giúp. Năm 2012, Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật cho Hội sử dụng dãy lớp học khoảng 480m 2 để tiếp tục vận động và được Câu lạc bộ Zonta of Osaka II - một tổ chức gồm những người là lãnh đạo doanh nghiệp, y, bác sĩ, người làm nghệ thuật (Nhật Bản), do bà Satoko Kawamora, ca sĩ, giáo viên làm Chủ tịch, tài trợ sửa chữa, nâng cấp 10 phòng học cũ. Đồng thời, Hội được Văn phòng UBND tỉnh và Trường THPT Trần Hữu Trang (thành phố Hồ Chí Minh), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi và một số nhà hảo tâm ủng hộ máy vi tính, máy may công nghiệp, bàn ghế học sinh. Ngày 2/10/2012, Tỉnh hội đã tổ chức khai giảng 4 lớp gồm: lớp dạy may công nghiệp (20 học viên), thời gian học 3 tháng, do đối tượng đặc thù nên có thể kéo dài thời gian đào tạo và sau kiểm tra cuối khóa, các em sẽ được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề; lớp thêu tay (15 học viên); lớp thủ công mỹ nghệ (6 học viên), bước đầu làm đũa, tiến tới làm một số mặt hàng từ nguyên liệu gáo dừa; lớp tin học nhập môn (6 học viên), dần dần sẽ học chương trình tin học dành cho người khuyết tật.
Lớp may công nghiệp được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao cho Trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi đào tạo. 3 lớp còn lại do Hội Bảo trợ tổ chức. Trong đó, hai em Quí, Khánh, nguyên là học viên của Trường, đã tốt nghiệp và có trình độ cao đẳng đảm trách lớp tin học và thủ công mỹ nghệ; cô Điệp - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật trực tiếp quản lý và đào tạo lớp thêu tay. Học viên nào có năng khiếu với các nghề nêu trên thì sẽ được đào tạo nâng cao.
Tỉnh hội đang tập hợp ý kiến của các sở, ngành liên quan để hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật và trẻ mồ côi trình UBND tỉnh phê duyệt. Hy vọng, trong tương lai, Hội sẽ đón nhận sự giúp đỡ của nhiều nhà tài trợ để sớm có một Trung tâm Dạy nghề hoàn chỉnh cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, tạo điều kiện cho các em vượt lên số phận, có nghề nghiệp, lao động hòa nhập cộng đồng. Và tin tưởng rằng, Trung tâm sẽ góp sức mình thực hiện an sinh xã hội tại tỉnh nhà.
Bà Kawamura Satoko (phải) và bà Miyamoto Fumiko